Thứ 2, 12/08/2024
Administrator
173
Thứ 2, 12/08/2024
Administrator
173
Trước tăng trưởng của giá thịt heo, doanh nghiệp ngành chăn nuôi chứng kiến chiều phục hồi ở cả doanh thu và lợi nhuận, song chỉ có HAGL dường như đứng ngoài cuộc...
Tính đến ngày 16/5, giá heo hơi tại các tỉnh, thành phố trên cả nước giao dịch quanh ngưỡng dao động trong khoảng 62.000 - 67.000 đồng/kg, tăng khoảng 25% so với đầu năm. Đây cũng là mức giá cao nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 4 tháng đầu năm 2024, ngành chăn nuôi Việt Nam ghi nhận các số liệu tăng trưởng khá tích cực. Tình hình chăn nuôi heo trên cả nước có nhiều khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm ngoái do giá bán thịt hơi tăng đều trên cả nước. Tổng số heo của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 4/2024 tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại một diễn biến khác, VCBS nhận định rằng giá heo 3 miền đồng loạt được đẩy tăng trong 4 tháng đầu năm do nguồn cung heo khan hiếm, tồn kho biểu to ít.
Phục hồi nhờ giá thịt heo
Trước bối cảnh trên, doanh nghiệp ngành chăn nuôi ghi nhận nhiều chuyển biến trong tình hình sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco (HoSE: DBC) ghi nhận doanh thu thuần trong quý I/2024 đạt 3.252 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, dù giá vốn tăng nhưng do không còn kinh doanh dưới giá vốn nên quý I/2024 doanh nghiệp chăn nuôi Bắc Ninh ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 348 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận lỗ hơn 70 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính trong quý được công ty tiết giảm tích cực, giảm 27% xuống còn 50,8 tỷ đồng. Song, Dabaco lại chi phí bán hàng tăng 13%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 17% lên lần lượt 110 tỷ đồng và 96 tỷ đồng.
Kết quả, “anh cả” ngành chăn nuôi miền Bắc báo lãi 72 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng vọt so với số lỗ 321 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Dabaco cho biết, quý I/2024, tình hình giá một số mặt hàng nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm theo đó giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm. Mặt khác, người chăn nuôi trong nước có nhu cầu tái đàn nên sản lượng thức ăn chăn nuôi tiêu thụ tăng, dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với tình hình kinh doanh khởi sắc. Theo đó, doanh thu thuần trong quý đạt 1.292 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ
Dù giá vốn hàng bán phát sinh nhưng chậm hơn biên độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp trong quý của công ty cao hơn 2,7 lần, lên 171 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, các khoản chi của công ty đều phát sinh mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí tài chính tăng mạnh hơn 113% lên 47 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng đạt 23 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 24 tỷ đồng; tăng lần lượt 15% và 2% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong kỳ công ty trích lập thêm 56 tỷ đồng trong phần thu nhập khác, tăng 6,2 lần so với quý I/2023. Tăng chủ yếu nhờ khoản khoản lãi thừa thanh lý tài sản trị giá 55 tỷ đồng được ghi nhận trong quý.
Kết quả, quý I/2024, BAF lãi sau thuế 118 tỷ đồng, tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là đỉnh lợi nhuận của BAF trong 6 quý trở lại đây của công ty.
Bầu Đức lỡ "sóng" tăng giá thịt heo
Từng ưu ái mảng heo nhưng trong những tháng gần đây, mảng kinh doanh gây “mất ngủ" này của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; HoSE: HAG) dường như đứng ngoài cuộc đua so với các doanh nghiệp cùng ngành. Trong cơ cấu lợi nhuận của tập đoàn, mảng heo chỉ đem lại chưa tới 6 tỷ đồng tiền lãi gộp.
Cụ thể, quý I, HAGL ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.241 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Trong đó, đóng góp phần lớn trong cơ cấu doanh thu là từ bán trái cây với 887 tỷ đồng, tăng 25%.
Song, doanh thu từ bán heo lại chứng kiến sự sụt giảm mạnh tới 48%, xuống còn 292 tỷ đồng. Doanh thu sụt giảm nên sau khi khấu trừ các chi phí, mảng kinh doanh từng là “con cưng" của bầu Đức chỉ đem về khoảng 6 tỷ đồng đóng góp vào lợi nhuận gộp.